Cái giá của trắng


PN - Hình ảnh các thiếu nữ châu Á trùm kín mít từ đầu đến chân chẳng còn xa lạ gì. Với họ, da trắng là tất cả.

Tuy nhiên, đằng sau ngành công nghiệp làm trắng da trị giá 18 tỷ USD/năm tại châu Á, ngày càng có nhiều "uẩn khúc" và bi kịch...
"Sốt" với chuẩn da trắng
Đi trên đại lộ đông đúc ở thành phố Tân Trúc (Đài Loan), Hilda Chu tay cầm dù, tay cầm sách, cố không cho tia nắng nào soi vào mặt mình. Cô sinh viên 18 tuổi này sợ đen như sợ ma ám. Hilda Chu là trường hợp điển hình của đa số thiếu nữ châu Á, những người luôn thích có làn da trắng hồng, như nhận xét của bác sĩ Hsieh Ya Ju thuộc bệnh viện MacKay Memorial ở Tân Trúc, nơi tiếp trung bình 25 khách mỗi ngày. Ngồi chờ bên ngoài phòng khám Hsieh là bốn cô gái với làn da nâu. Họ sẵn sàng chi 300-500 USD cho mỗi đợt "tẩy da". Làm trắng da đang thật sự là ngành công nghiệp hái ra tiền. Không chỉ thuốc uống làm trắng da, người ta còn có nhiều phương pháp, từ tia laser, kem, phẫu thuật đến bột chà.
 

Sốt với chuẩn da trắng

Nydia Lin, giám đốc điều hành Shisedo tại Đài Loan cho biết, có đến 50% phụ nữ Đài (cùng tỷ lệ nam giới tăng dần) sẵn sàng chi "bao nhiêu cũng được" để có làn da trắng. Giới nữ Trung Quốc lục địa, Nhật, Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines... cũng quyết tâm tuyên chiến với da chocolate.
Các quảng cáo sản phẩm làm trắng da xuất hiện trên khắp phương tiện
truyền thông châu Á.

Trong thực tế, da trắng không là mốt của thời hiện đại. Trong lịch sử văn hóa châu Á, da trắng là một trong những chuẩn đánh giá sắc đẹp. Những quý bà trong tranh vẽ thời phong kiến luôn được nhấn mạnh yếu tố trắng, như nhận xét của Anne Rose Kitagawa, trợ lý giám đốc nghệ thuật hội họa Nhật thuộc Viện bảo tàng Sackler (Viện Đại học Harvard).

Da trắng còn là biểu hiện giai cấp. Thời xưa, chỉ những người chân lấm tay bùn quanh năm phơi lưng đồng áng mới bị đen da, tương phản với giới nữ thuộc thành phần chủ nông giàu có - nhận xét từ sử gia Gerald Horne thuộc Đại học Houston. Ngày nay, chuẩn đẹp của da trắng tiếp tục được khẳng định trên những hình ảnh quảng cáo, trên bìa tạp chí và trên truyền hình. Trắng bây giờ không chỉ dành riêng cho phái nữ mà còn phổ biến rộng với cả phái nam, thậm chí có khi là biểu hiện của thành công sự nghiệp, theo Tarun Khanna thuộc Trường kinh thương Harvard, tác giả quyển Billions of Entrepreneurs.
Trắng đồng nghĩa với đẹp theo quan niệm phổ biến châu Á

Bi kịch từ mỹ phẩm làm trắng da
Tuy nhiên, cái giá của làn da trắng cũng không rẻ... Dung nhan bình thường của Panya Boonchun (Thái Lan) ngày nào giờ bị "biến dạng" vì một loại kem dỏm mà cô dùng cho mục đích trắng da. Panya là nạn nhân tiêu biểu của thị trường mỹ phẩm làm trắng da không thể kiểm soát ở châu Á, từ sản phẩm bào chế dỏm đến hàng hiệu. Người ta còn chưa quên sự kiện: hơn 1.200 người tới tấp gọi đến đường dây nóng của Cơ quan y tế HongKong sau khi có tin hai loại kem làm trắng da - Rosedew (HongKong) và La Rose Blanche (Pháp) - chứa nồng độ thủy ngân vượt mức cho phép từ 9.000 đến 65.000 lần!


Nếu không sử dụng mỹ phẩm trắng da đúng sẽ dẫn đến bi kịch

Ngay với mỹ phẩm xịn chuyên làm trắng da, giới y học lâu nay cũng đã cảnh báo tác dụng phụ nguy hiểm của chúng. Giới chuyên khoa da liễu từng cho biết, chất hydroquinone, với khả năng giúp tẩy trắng da, có thể gây ung thư nếu dùng liên tục trong thời gian dài. Hydroquinone, được dùng trong công nghệ rửa ảnh, đã được chứng minh là thủ phạm gây bệnh bạch cầu ở chuột và một số động vật khác. Liên minh châu Âu đã cấm hydroquinone trong công nghiệp mỹ phẩm từ năm 2001.

Tuy nhiên, Anil Ganjoo, chủ tịch Hiệp hội da liễu Ấn Độ cho biết, hydroquinone vẫn là chất được sử dụng rộng rãi trong "hầu hết phương pháp làm trắng da" bởi đơn giản nó rẻ (khoảng 20 USD/kg, so với tinh chất cam thảo 20.000 USD/kg). Thada Piamphongsant, chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ Thái Lan, cũng khẳng định rằng, khoảng 1/2 bác sĩ chuyên khoa da liễu tại nước mình đều chỉ định các loại kem chứa hydroquinone cho khách hàng muốn tẩy trắng da. Sử dụng lâu dài kem chứa hydroquinone thậm chí còn làm nám da vĩnh viễn hoặc da bị mất khả năng sản sinh sắc tố, khiến "mọc ra" những mảng bỏng trên mặt và cổ, như trường hợp Panya Boonchun kể trên.

Bất luận thế nào, châu Á vẫn sốt với chuẩn da trắng. Và trên các website môi giới vẫn tiếp tục thấy câu giới thiệu thế này: "Đối tượng nghiêm túc, gia đình đàng hoàng, có bằng cử nhân và đặc biệt có làn da trắng mơn mởn.

Cái giá của trắng Cái giá của trắng Reviewed by Vé Máy Bay on 01:45 Rating: 5

Không có nhận xét nào